Các tác giả Lương Văn Dũng (ĐH Đà Lạt), Trần Ninh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và Hakoda (Nhật Bản) đã công bố loài trà mi mới quý hiếm trên tạp chí trong nước và quốc tế.
Trong số 3.000 giống lai tạo trên thế giới, Lâm Đồng là một trong những vùng đất trà mi “an cư” nhiều nhất, chiếm khoảng 4,3% nhưng đặc biệt hơn, đã phát hiện 13 loài thuộc chi trà mi phân bố tự nhiên trên đất Lâm Đồng.
''Trà mi Đà Lạt'' được công bố là loài đặc hữu mới |
Hiện Lâm Đồng có khoảng 125 - 130 giống trà mi có nguồn gốc từ nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Úc, Hà Lan, Đài Loan, Nhật, Trung Quốc, Tiệp Khắc... Nhiều cơ sở sưu tập những giống này như các vườn trà mi của ông Đệ (xã Đạ Sar), ông Hùng (xã Đạ Nghịch), ông Thọ (đường Hùng Vương thành phố Đà Lạt) và Vườn hoa Đà Lạt có khoảng 200 cây. Chủ yếu là giống lai tạo từ nguồn bố mẹ, màu sắc thường đỏ, trắng, hồng, tím, vàng, xanh nhạt.
Phong phú và đặc hữu
Sau nhiều năm miệt mài điều tra và nghiên cứu trên cả 4 vùng độ cao, nhóm nghiên cứu TS Nguyễn Văn Kết - ThS Lương Văn Dũng (Trường ĐH Đà Lạt) đã công bố nhiều thông tin hết sức thú vị về chi trà mi phân bố tự nhiên ở Lâm Đồng. Đến thời điểm này, đã xác định có 13 loài.
Trong số đó có 11 loài đã được các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài định danh. Trà mi vàng (Camellia luteocerata Orel) phân bố vùng Vườn quốc gia Cát Tiên và dọc sông Đồng Nai; trà mi cành dẹt (Camellia inusitata Orel, Curry & Luu) phân bố vùng Vườn Biduop - Núi Bà vừa công bố năm 2012. Đây là 2 loài cùng trà mi Đà Lạt (Camellia dalatensis Luong, Tran & Hakoda) và trà mi Vidal (Camellia vidalii Rosmann) là đặc hữu.
Trà mi màu đỏ vùng Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên |
Có 2 loài mới khác chưa định danh là trà mi Di Linh (Camellia sp2.) hoa vàng cam và trà mi Đạm Ri (Camellia sp1.) hoa vàng nhạt, cùng phân bố độ cao 600-1.000 m. Kỳ diệu hơn là quả của loài trà mi Di Linh (Camellia sp2.) không giống bất kỳ quả trà mi nào trên thế giới được công bố trong các tài liệu hiện tại, ThS Lương Văn Dũng khẳng định.
Quả ''trà mi Di Linh'' chưa định danh nhưng có hình dáng rất khác biệt |
Thông tin càng “nóng sốt” hơn khi các tác giả Lương Văn Dũng (ĐH Đà Lạt), Trần Ninh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và Hakoda (Nhật Bản) đã và đang công bố phát hiện loài trà mi mới và quý hiếm trên tạp chí khoa học ở Việt Nam và nước ngoài (Tạp chí International Camellia Journal - trà mi quốc tế).
Trà mi màu hồng phấn đặc hữu, phân bố vùng Di Linh, Bảo Lâm |
Loài trà mi này được đặt tên là Camellia dalatensis Luong, Tran & Hakoda. Nó phân bố ở vùng độ cao trên 1.500m, dưới tán rừng lá rộng thường xanh, hỗn giao lá rộng-lá kim ở Đà Lạt và phụ cận. Đây là loài cây gỗ nhỏ, cao khoảng 3-4m; cành non có lông dày; cành già nhẵn. Lá có cuống dài 0,7-1,2cm, có lông, dài 40-45cm, rộng 8-11cm… Hoa 1-3 ở nách lá, màu vàng nhạt, đường kính 4,0-4,5cm; cuống hoa dài 2,0-2,5 cm; 5 lá đài, 8-10 cánh; bộ nhị nhiều, dài 1,4-1,7cm. Trà mi màu hoa vàng nhạt này có quả hình cầu dẹp, đường kính 4,5-5,5cm, 4-5 ô, mỗi ô 1- 2 hạt.
Nguy cấp tận diệt
Chưa nói đến dược tính, trà mi hiện là một trong những cây cảnh ngự trị ở công sở và nhà dân khá giả vì hoa quả đẹp, sang trọng và thanh cao. Giá mỗi cây đã có hoa trồng chậu dao động từ 400 - 800.000 đồng/cây tuỳ theo loại. Vì vậy, các tay săn lùng cây cảnh sục sạo khắp các cánh rừng nhưng cũng không tìm được nhiều vì trà mi phân bố không tập trung.
Trà mi màu trắng vùng Đà Lạt |
Kết quả của nhóm nghiên cứu trà mi Lâm Đồng được Th.S Nguyễn Duy Chính đánh giá“rất thành công”. Phó chủ nhiệm khoa Sinh - ThS Lương Văn Dũng là tác giả đề tài nghiên cứu cho biết: Các loài trà mi tự nhiên Lâm Đồng phân bố nhiều ở vùng rừng nghèo kiệt hoặc rừng hỗn giao tre nứa-gỗ, do đó khi chuyển đổi thành rừng sản xuất, tất yếu loài trà mi sẽ nguy cơ bị tận diệt, nhất là trà mi hoa vàng.
Để khẩn cứu, TS Nông Văn Tiếp đề xuất cần sớm khẳng định vùng phân bố hẹp thì may chăng bảo tồn được các loài trà mi ở Lâm Đồng. Mỗi khi môi trường sinh thái của trà mi bị tác động thì nó sẽ rất khó trụ nổi. Nhất là trong tình hình người dân cũng như nhà quản lý còn thờ ơ và thiếu hiểu biết về tính khoa học của loài trà mi. “Trà mi sẽ mất đi trong nay mai chứ không phải lâu dài nữa” - TS Tiếp cảnh báo.
Chủ nhiệm đề tài khoa học “Điều tra trà mi ở Lâm Đồng” - TS Nguyễn Văn Kết, Chủ nhiệm khoa Nông Lâm Trường Đại học Đà Lạt, rất bức xúc nhận xét: Rừng bị phá tan hoang, nguy cơ của loài trà mi đã và đang mất là điều thấy rõ. Vì vậy, thời gian tới nhóm sẽ nghiên cứu tiếp cận theo hướng phân tích dược tính và đặc biệt phân tích các yếu tố bất lợi cho sự phát triển loài trà mi ở Lâm Đồng như tính cạnh tranh về không gian và dinh dưỡng… Nhưng, trước hết, phải sớm có sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân thì hy vọng loài trà mi quý hiếm của Lâm Đồng may ra thoát khỏi độ nguy cấp xâm hại và tuyệt diệt.
Nguồn: khoahoc.tv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét