Những loài cây này được lựa chọn với tiêu chí chặt chẽ để có thể phát triển tốt trong môi trường đô thị, chống chọi tốt với bão gió và tạo nhiều bóng mát.
Sau trận cuồng phong càn quét qua Hà Nội vừa qua, nhiều người dân thủ đô đã không khỏi xót xa khi chứng kiến 1.300 cây xanh đổ gục, thậm chí có cây xanh còn đổ xuống đường đè chết người. Lúc này, nhiều người mới đặt câu, phải chăng chúng ta đã trồng nhiều loại cây ở thủ đô không phù hp vi điều kiện đô thị đặc thù.
Nhìn sang nước láng giềng Singapore, một trong những quốc gia có mật độ dân số lớn nhất trên thế giới, người dân sống ở đảo quốc này vẫn được hưởng một bầu không khí trong lành nhờ hàng triệu cây xanh được trồng ở đây mà không phải lo ngay ngáy mỗi khi mưa bão.
Theo Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore (NPB), hiện trên đảo quốc này có tới 2.000 loài cây xanh khác nhau, với tổng cộng khoảng 2 triệu cây được trồng dọc các tuyến phố, trong công viên, vườn nhà và các khu bảo tồn. Bởi vậy, Singapore còn được cả thế giới biết đến với tên gọi là “Thành phố Vườn” hay “Đảo quốc Rừng xanh”.
Singapore được gọi là "Quốc đảo Rừng xanh" nhờ hơn 2 triệu cây xanh che mát |
Nếu không có những cây xanh này, Singapore sẽ chỉ còn là một đô thị nóng nực, ngột ngạt với tỉ lệ bê tông hóa cao độ và những tòa nhà cao tầng chen chúc. Cây xanh đóng vai trò làm “mềm” cảnh quan, tạo thêm vẻ đẹp và sắc màu cho thành phố, giảm bớt bầu không khí oi nóng của mùa hè vùng nhiệt đới.
Để có được lượng cây xanh khổng lồ trên, NPB đã đưa ra Bộ Quy tắc Cây xanh, trong đó đề ra các yêu cầu, tiêu chuẩn rất chặt chẽ đối với việc trồng và chăm sóc các loại cây xanh trên đường phố, vườn nhà, các bãi đậu xe...
Đây là những loại cây đã được nghiên cứu, lựa chọn rất cẩn thận, đảm bảo phù hợp với khí hậu, cảnh quan Singapore và có sức chống chọi tốt với điều kiện khí hậu nhiều giông bão ở khu vực này. Sau đây là những loại cây xanh phổ biến nhất ở Singapore đáp ứng các tiêu chí trên.
1. Cây Muồng tím (Rain tree)
Muồng tím (còn có tên gọi khác là cây Saman, thuộc họ Fabaceae) là loại cây phổ biến nhất trên các đường phố ở Singapore. Loài cây gỗ có nguồn gốc ở châu Mỹ nhiệt đới này được NPB lựa chọn vì có đường kính thân và tán cây rất lớn, có khi tán cây rộng đến 30 m, hơn cả chiều cao của cây, tán lá rất rậm rạp và luôn xanh tươi.
Cây muồng tím che mát một con đường ở Singapore |
Cây muồng tím có tán cây lên tới 30 mét, tạo bóng mát rất tốt |
Muồng tím trưởng thành có chiều cao từ 15-25 m, trong điều kiện thích hợp có thể cao đến 50 m, gốc có bạnh vè lớn, có khả năng chống chọi rất tốt với mưa bão. Cây có hoa nhỏ màu hồng hoặc tím nhạt, khi nở bung ra rất đẹp và thơm, phù hợp với môi trường đô thị.
Trong Thảo Cầm Viên Singapore có một cây muồng tím cực lớn, với đường kính lên tới 5 mét và chiều cao 32 mét, được coi là Cây Di sản của Singapore.
2. Cây Angsana
Cũng thuộc họ Fabaceae, cây Angsana là loài cây có thể đạt chiều cao tới 40 mét khi trưởng thành, cho bóng mát hình vòm rất lớn.
Cây Angsana trên đường Thượng Serangoon |
Hoa Angsana nở vàng trên tán cây |
Cây Angsana được NPB lựa chọn trồng trên các tuyến phố vì nó sẵn có, dễ trồng và phát triển rất nhanh, với bộ rễ vững chắc có khả năng chống chọi mưa gió cao. Loại cây này có hoa màu vàng nhạt rất đẹp, và mỗi khi rụng, hoa tạo thành một tấm thảm màu vàng trên hè phố.
Trên đường Thượng Serangoon của Singapore hiện có một cây Angsana cổ thụ 60 năm tuổi được xếp vào diện Cây Di sản. Với đường kính thân lên tới 7,7 mét, đây là một trong những cây đường phố lớn nhất ở Singapore hiện nay.
3. Cây Lim sét (Yellow Flame, họ Fabaceae)
Lim sét cũng là một loại cây nhiệt đới điển hình được trồng rất rộng rãi trên các đường phố Singapore. Loài cây này có thể đạt độ cao 20 mét và có khả năng chống chọi với khô hạn rất tốt, do đó rất phù hợp với điều kiện đô thị nắng nóng như ở Singapore.
Cây Lim sét được trồng phổ biến dọc các tuyến đường ở Singapore |
Người dân Singapore đi bộ dưới bóng mát cây Lim sét |
Lim sét được chọn làm cây công trình và trồng rộng rãi tạo cảnh quan, che bóng mát trên đường phố, công viên, trường học, bệnh viện, khu dân cư, khu đô thị nhờ tán lá cực lớn của nó.
Khi nở hoa, cả tán lá khổng lồ của Lim sét trở nên vàng rực với những bông hoa có kích thước khoảng 3cm, thu hút ánh nhìn của mọi người.
4. Xà cừ (Khaya senegalensis, họ Xoan)
Xà cừ có nguồn gốc từ châu Phi, là loài cây gỗ thường xanh, thân hình trụ thô, cành nhánh nhiều hơi rủ tào thành vòm tán rộng và dày, tỏa bóng rất tốt. Ở Singapore, loài cây này có thể đạt chiều cao 30 mét, với đường kính thân cây từ 1-2 mét.
Hàng cây xà cừ trên một tuyến đường ở Singapore |
Học sinh Singapore tham quan một cây xà cừ cổ thụ trong Thảo Cầm Viên |
Với tán lá rộng cho bóng mát, NPB đánh giá xà cừ rất thích hợp để trồng dọc các con đường lớn. Đây cũng là loài cây lấy gỗ với chất lượng gỗ thương phẩm tốt, không bị mối mọt, ít nứt nẻ, sắc đỏ đẹp.
5. Cây Lọng ô (Tembusu, họ Gentianaceae)
Cây Lọng ô (Tembusu) là một trong những loài cây đặc trưng nhất của Singapore. Đây là loại cây có nhiều cành, tán rộng, lá ít rụng, không sâu và đặc biệt tuổi thọ dài.
Cây Lọng ô có thể đạt tới chiều cao 40 mét, với tán lá bốn mùa xanh tươi, có thể phát triển tốt ở những khu vực khắc nghiệt và và khô cằn nhất.
Cây Lọng ô cổ thụ trong Thảo Cầm Viên Singapore |
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (áo xanh) trồng cây Lọng ô trong công viên |
Cây Lọng ô thường ra hoa vào tháng 5-6 và 10-11, với mùi hương rất dễ chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Người Singapore thường ươm cây Lọng ô trong các vườn ươm và đưa chúng đi trồng khắp các đường phố khi đến tuổi.
Trong Thảo Cầm Viên Singapore có một cây Lọng ô cổ thụ 150 tuổi được xếp vào diện Cây Di sản. Hình ảnh của cây Lọng ô cổ thụ này thậm chí còn xuất hiện trên tờ tiền 5 đô-la Singapore.
Nguồn; stb.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét